You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.
Bệnh Xương Khớp Đe Dọa Việt Nam Bởi Dân Số Già

Bệnh Xương Khớp Đe Dọa Việt Nam Bởi Dân Số Già

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng Khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115 cho biết, bệnh lý cơ xương khớp là vấn đề sức khỏe đang được thế giới rất quan tâm, vì quy mô lớn và hệ quả nghiêm trọng của bệnh trong cộng đồng. Bệnh ít khi dẫn đến tử vong và không biểu hiện nguy kịch như bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư… nhưng tần suất của bệnh cao nhất, đồng thời là nguyên nhân chính gây đau, mất chức năng vận động và giảm chất lượng cuộc sống. Điều trị bệnh cơ xương khớp không đúng cách, không theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hội chứng cushing do thuốc, hội chứng dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và thậm chí tử vong.

Ở Việt Nam, số liệu nghiên cứu bước đầu từ nhóm nghiên cứu của bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan về các bệnh cơ xương khớp thường gặp tại TP HCM cho thấy ở người trên 40 tuổi tần suất chung của thoái hóa khớp là 66%, những vị trí thường gặp nhất là cột sống thắt lưng (43%) và khớp gối (35%). Khoảng 23-29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương, tỷ lệ này tương đương với các nước Âu Mỹ.

Các số liệu này cho thấy quy mô của bệnh cơ xương khớp ở Việt Nam tương đương với các nước khác trên thế giới. Hiện nay tỷ lệ người cao tuổi trong dân số nước ta đã lên đến 7% và sẽ còn gia tăng nhanh trong tương lai. Trong bối cảnh này thì bệnh cơ xương khớp thật sự là vấn đề y tế quan trọng ở Việt Nam. 

Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS) ở Mỹ năm 2008 cho thấy tình trạng cơ xương khớp mãn tính ở người trưởng thành cao hơn 60% so với tình trạng tim mạch mãn tính và gấp hai lần tất cả tình trạng hô hấp mãn. Cụ thể, tần suất của bệnh cơ xương khớp trong dân số trưởng thành chiếm gần 50%, còn tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch là 30% và hô hấp khoảng 24%.

Theo bác sĩ Thục Lan, bệnh cơ xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở người cao tuổi, đặc biệt như các bệnh lý loãng xương, thoái hóa khớp. Trong tình hình tuổi thọ dân số ngày càng gia tăng, tình trạng bệnh cơ xương khớp cũng sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai. Theo ước tính của National Arthritis Data Workgroup vào năm 2005, số lượng người Mỹ bị thoái hóa khớp là 27 triệu, và con số này sẽ tăng 30% trong 10 năm tới.

"Triệu chứng lâm sàng quan trọng và thường gặp của bệnh cơ xương khớp là đau mãn tính, và đây chính là nguyên nhân làm bệnh nhân cơ xương khớp bị giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Hệ quả của bệnh cơ xương khớp là mất chức năng vận động, không thể thực hiện được các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày như đi bộ, tắm rửa, làm việc nhà…", bác sĩ Thục Lan phân tích.

Trong báo cáo của NHIS 2008, đa số trường hợp bị giới hạn chức năng vận động đều có liên quan đến tình trạng cơ xương khớp (biểu đồ 2). Có khoảng 14% dân số trên 18 tuổi bị giảm chất lượng cuộc sống do giới hạn chức năng vận động và hơn 50% các trường hợp này là do tình trạng bệnh cơ xương khớp (biểu đồ 3). Tương tự, hơn một nửa trường hợp mất ngày công lao động do nguyên nhân cơ xương khớp.

Bên cạnh tần suất cao đi kèm những chi phí trực tiếp cho điều trị, chi phí cho việc mất ngày công lao động do bệnh tiến triển mãn tính làm cho bệnh cơ xương khớp trở thành một gánh nặng kinh tế ở các nước đã phát triển.

Khoảng 14% dân số trên 18 tuổi bị giảm chất lượng cuộc sống do giới hạn chức năng vận động và hơn 50% các trường hợp này là do tình trạng bệnh cơ xương khớp.

Theo vnexpress.net


Không có đánh giá nào.

Viết một đánh giá.

    Xấu           Tốt